Bài viết

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

7 sự kiện thời tiết “vô cùng bất thường” trong lịch sử


Tuyết rơi trên sa mạc, nắng nóng liên tục trong nhiều ngày, nhiệt độ thay đổi chóng mặt và còn điều gì nữa? 

Cùng với sự nóng lên của Trái Đất, diễn biến bất thường của thời tiết ngày càng khó dự đoán. Con người dường như đang trở tay không kịp với những sự kiện “nắng mưa thất thường” của tự nhiên. Những trường hợp biến đổi thời tiết “không tưởng” từng xảy ra dưới đây sẽ cho thấy một điều rằng dù con người có chế tạo ra được những thiết bị dự báo hiện đại tiên tiến nhất thì vẫn phải luôn dè chừng trước những biến đổi đầy bất ngờ của tự nhiên.
 
Tuyết rơi trên sa mạc Sahara
 
 
Tuyết rơi trên sa mạc? Chuyện nghe thật là kì cục. Thực ra, tại một số dãy núi thuộc khu vực sa mạc Sahara, việc tuyết rơi là việc xảy ra thường xuyên như tại đỉnh Tahat, đỉnh núi cao nhất tại Algeria vào mùa đông với chu kì khoảng 3 năm một lần. Dãy núi Tibesti tại miền Bắc Chad thì cứ trung bình 7 năm một lần lại có những đợt tuyết rơi dày trên đỉnh núi tới hơn 2.500 m.
 
 
Tuy nhiên, thực sự là bất thường khi vào ngày 18 tháng 2 năm 1979, các khu vực địa hình thấp của sa mạc Sahara lại bất ngờ đón nhận một trận tuyết rơi lần đầu tiên trong lịch sử. Tuyết rơi tại các điểm ở phía Nam Algeria cùng với một cơn bão tuyết kéo dài trong nửa giờ đã làm tê liệt hệ thống giao thông tại đây.
 
Nhiệt độ lên xuống “bất bình thường” chỉ trong mấy phút
 
 
Thị trấn Spearfish ở phía Tây Nam Dakota, nơi có khoảng 8.500 người dân cư trú là nơi giữ kỷ lục thế giới về việc nhiệt độ thời tiết lên xuống bất bình thường nhất.
 
Vào ngày 22 tháng 1 năm 1943, lúc 7h rưỡi sáng theo giờ địa phương, nhiệt độ đã tăng vọt một hơi lên 47 độ chỉ trong vòng 2 phút từ - 20˚C đến 7˚C. Đến 9h sáng, nhiệt độ ghi được là 12˚C rồi lại đột ngột giảm xuống mức - 20˚C chỉ sau đó khoảng 27 phút. Nguyên nhân của sự kiện này được cho là tại sự di chuyển bất thường của gió "foehn", một loại gió thường xuất hiện tại các dãy núi.
 
Đợt nắng nóng đỉnh điểm kéo dài trong 160 ngày
 
Thị trấn Marble Bar ở Tây Úc thì lại là một huyền thoại vì thời tiết “siêu nóng bỏng” của nó. Từ ngày 31/10/1923 đến 7/4/1924, người dân của thị trấn này dường như bị thiêu đốt trong cái nóng “điên đảo” tới hơn 37.8˚C trong vòng 160 ngày liên tục. Phải nói sức chịu đựng của họ quả thật là quá giỏi khi vượt qua được sự khắc nghiệt đến cùng cực như vậy của thời tiết nơi đây.
Lốc xoáy bất ngờ xuất hiện tại Alaska
 
 
Mỹ là một trong những quốc gia có hiện tượng lốc xoáy thường xuyên xảy ra nhất trên thế giới. Đây là hiện tượng thời tiết xảy ra khi có sự gặp nhau giữa hai luồng không khí nóng ẩm và khô nên nó hiếm khi xuất hiện tại những nơi lạnh giá. Thế nên dù là một tiểu bang lớn của Mỹ nhưng người dân Alaska chưa từng một lần biết đến lốc xoáy là gì.
 
Nhưng vào năm 2005, người dân thị trấn Sand Point tại đây lần đầu tiên trong đời đã được tận mắt chứng kiến một cơn lốc xoáy hình thành tại khu vực đảo Unga gần đó. Sự bất thường của thời tiết này thực sự đã đem lại cho họ một trải nghiệm vô cùng hiếm có trong đời.
 
148 cơn lốc xoáy liên tiếp trong 16 tiếng
 
Vào năm 1974, cư dân của 13 tiểu bang và vùng Ontario, Canada đã trải nghiệm một cảm giác kinh hoàng với 148 cơn lốc xoáy liên tiếp chỉ trong vòng 16 tiếng. Chỉ trong 2 ngày mùng 3 – 4/4/1974, những cơn lốc xoáy đã “điên cuồng” tàn phá nơi đây với nhiều cơn lốc thuộc hàng top những cơn bão mạnh nhất được ghi nhận trong những năm trước đó.
Bão bất thường vào tháng 12
 
Đỉnh điểm của mùa bão thường xảy ra vào tháng 9 và tháng 10 nhưng vào năm 2005, cơn bão cấp 1 Epsilon đã gây một bất ngờ khi hình thành vào tháng 12 tại vùng biển Đại Tây Dương. Đây là một trong năm cơn bão hiếm hoi xảy ra vào tháng 12 được ghi nhận trong vòng 120 năm qua. Các cơn bão tháng 12 khác cũng được biết đến là Lili và Nicole được hình thành và phát triển vào các năm 1984 và 1988.
Tuyết phủ tại tất cả các bang của Mỹ
 
Bản đồ chụp cảnh tuyết phủ tại các bang của Mỹ trong ngày 12/1/2011. Những nơi màu xanh đậm là nơi tuyết rơi dày nhất
 
Vào ngày 12 tháng 2 năm 2010, Mỹ đã ghi nhận một sự kiện hiếm khi xảy ra trong lịch sử khi có tuyết phủ tại tất cả 50 bang tại đây, kể cả vùng đảo nhiệt đới Hawaii tại đỉnh của ngọn núi Mauna Kea trong cùng một ngày. Và ngày 12 tháng 1 năm nay, sự kiện hi hữu này lại xảy ra tuy nhiên chỉ được ghi nhận với 49 bang do sự “vắng bóng” của tuyết tại bang Florida.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét